Được tấn phong là Ceasar Maximianus

Tượng bán thân của Maximianus, nhà cai trị phía Tây
Tượng bán thân của Diocletianus, Augustus của phương đông

Tại thành phố Mediolanum (Milan, Ý) vào tháng 7 năm 285 [25] Diocletianus tuyên bố Maximianus là người đồng trị vì với ông ta, tức là Ceasar.[26] Những lý do cho quyết định này rất phức tạp. Chiến sự bùng nổ ở tất cả các tỉnh trong toàn đế quốc, từ xứ Gallia cho tới Syria, từ Ai Cập cho đến hạ lưu sông Danube, Diocletianus cần một người thay mặt ông để quản lý khối lượng công việc nặng nề của mình.[27] Sử gia Stephen Williams cho rằng Diocletianus tự coi mình là một vị tướng lãnh tầm thường và cần một người như Maximianus để gánh hầu hết các cuộc chiến cho ông ta[28].

Thứ đến, Diocletianus lại có một yếu điểm đó là ông ta không có bất cứ người con trai nào, mà chỉ có một người con gái tên là Valeria và bà không bao giờ có thể kế vị ông ta. Do vậy, ông ta buộc phải tìm kiếm một người nào đó không thuộc gia đình của mình để cùng cai trị và người này phải là một người mà ông ta cảm thấy đáng tin cậy.[29] (Sử gia William Seston đã lập luận rằng Diocletianus, cũng giống như những vị hoàng đế không có hoàng tử thừa kế trước đó (như Nerva, Trajan hay Hadrian...), đã chọn Maximianus làm filius Augusti ("con trai Augustus") của mình sau khi tấn phong cho ông ta. Một số người đồng ý với ý kiến này, nhưng sử gia Frank Kolb lại cho rằng việc nhận con nuôi chẳng qua là do hiểu sai các tài liệu cổ.[30] Tuy nhiên, điều này không phải là không có khả năng vì Maximianus đã lấy họ Valerius của Diocletianus.[31]

Và cuối cùng, Diocletianus biết rằng việc cai trị đơn độc là một mối nguy hiểm và rằng trước đó đã từng tồn tại tiền lệ cùng chia sẻ quyền lực hoàng đế. Cho dù uy danh đến đâu, ngai vị của một vị hoàng đế đơn độc vẫn có thể dễ dàng bị lung lay, điển hình là hai vị tiên đế AurelianusProbus của ông.[32] Aurelianus bị một tên thủ hạ hành thích khi ông đang đứng trên đỉnh vinh quang, sau khi đưa Đế quốc La Mã ra khỏi thời kỳ khủng hoảng. Còn Probus thì bị binh lính ám sát sau khi họ tôn Carus lên ngôi. Trong khi đó, Carus đã chia sẻ quyền lực cùng hai người con trai của ông ta. Dù chỉ cầm quyền trong một thời gian ngắn ngủi hơn một năm, nhưng triều đại Carus khá suôn sẻ, khác với Aurelianus và Probus. Ngay cả vị hoàng đế đầu tiên, Augustus, (cai trị: 27 TCN-19 SCN), thay vì tự mình chấp chính, ông ta đã chia sẻ quyền lực với các đồng sự. Kể từ thời Marcus Aurelius (cai trị: 161-180), đã có nhiều hình thức đồng hoàng đế tồn tại một cách chính thức,[33] ví dụ như Marcus Aurelius và Lucius Verus hay GetaCaracalla. Đó là những lý do tại sao Diocletianus muốn chọn một người mà ông ta tin tưởng làm đồng hoàng đế.

Hệ thống cai trị kép này rõ ràng là có hiệu quả, phản ánh qua một sự kiện có tính chất tôn giáo: vào khoảng năm 287, Diocletianus lấy tên hiệu Iovius trong khi Maximianus lấy tên hiệu Herculius.[34] Iovius và Herculius mang ý nghĩa biểu tượng: Tên hiệu Jove (tức thần Jupiter) mà Diocletianus chọn có vai trò chi phối lập kế hoạch và chỉ huy; trong khi Hercules (tiếng Việt còn gọi là Héc-quyn), với vai trò anh hùng sẽ hoàn thành nhiệm vụ được giao.[35] Tuy nhiên, dù với hai biểu tượng này, hai vị hoàng đế không phải là các "vị thần" trong tôn giáo thờ cúng hoàng đế (mặc dù họ có thể đã được ca ngợi như vậy trong những bài tán tụng hoàng đế). Thay vào đó, họ đã được coi công cụ của các vị thần, là những người đại diện các vị thần trên trái đất.[36] Một khi các nghi lễ đã kết thúc, Maximianus sẽ nắm lấy quyền kiểm soát triều đình phía Tây và đã được cử đến Gallia để chống lại quân khởi nghĩa Bagaudae trong khi Diocletianus quay về miền Đông.[37]